Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết Việt Nam có thể phát triển ngành cá cảnh hơn nữa, tăng kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên 40-50 triệu USD thay vì chỉ 10-12 triệu USD/năm như hiện nay.
Ngày đăng: 26-12-2017
3,116 lượt xem
Tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh tại Việt Nam” do Sở NN&PTNT TP.HCM, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức ngày 19-11 tại TP.HCM, ông Thắng cho rằng cần xây dựng thương hiệu cá cảnh Việt, đánh thức tiềm năng của ngành này.
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, TP.HCM được coi là trung tâm của hoạt động xuất khẩu cá cảnh Việt Nam.
Tính đến hết tháng 10-2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu của TP đã đạt hơn 11 triệu con (trong đó cá nước ngọt hơn chín triệu con), giá trị xuất khẩu đạt 9,7 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chính, châu Âu chiếm nhiều nhất với 58%; châu Á 28%; châu Mỹ 9,5% và châu Úc chiếm 3,5%.
Hiện nước ta xuất khẩu trên 60 loài cá cảnh, phổ biến như cá neon, cá dĩa, cá xiêm, cá mô ly, hắc kim, trân châu cá bảy màu, hải quỳ, cá mó, khoang cổ, hoàng hậu.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng quy mô sản xuất chưa tập trung, còn phân tán nhỏ lẻ, chưa tiếp cận nhiều với khoa học mới về lai tạo cá cảnh, thuần dưỡng sinh sản cá cảnh tự nhiên.
Khả năng tài chính còn hạn chế ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư. Tất cả yếu tố đó làm khó ngành cá cảnh Việt Nam.
Nhiều giải pháp được đưa ra là phải đảm bảo quản lý nhà nước hướng dẫn các cơ sở sản xuất cá cảnh an toàn, giám sát dịch bệnh đủ điều kiện xuất sang Mỹ, EU.
Tập trung lai tạo những giống loài mới, nghiên cứu sinh sản nhân tạo những loài cá cảnh quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cá dĩa (mỗi con hiện nay có giá bán 50-80 USD), cá còm, chạch, thái hổ, neon…
Ngoài ra cần lập trang thông tin điện tử về cá cảnh để quảng bá, giới thiệu danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh để khách hàng trong và ngoài nước tiện giao dịch.
Tăng cường xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho cá cảnh.
theo Pháp luật Tp.HCM
Gửi bình luận của bạn