Đối với những người có thú chơi cá cảnh, cá ba đuôi là loại cá không thể thiếu trong bể cá mini vì đây là loại cá có màu sắc vô cùng bắt mắt, dễ dàng chăm sóc và không tốn quá nhiều chi phí. Tuy nhiên, cá 3 đuôi lại rất dễ mắc một số bệnh. Hãy tham khảo các bệnh thường gặp ở cá 3 đuôi dưới đây và tìm hiểu cách phòng tránh cũng như chữa trị chúng.
Ngày đăng: 02-05-2018
29,571 lượt xem
1. Những bệnh gây ra do ký sinh trùng
Ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh thường gặp ở cá 3 đuôi. Và danh sách những bệnh gây ra do ký sinh trùng vô cùng đa dạng.
Bệnh đốm trắng
Khi nhiệt độ của nước xuống thấp (trên dưới 15oC), cơ thể cá 3 đuôi sẽ xuất hiện những đốm màu trắng li ti và có thể lan rộng khắp cơ thể sau một thời gian phát bệnh. Khi bệnh đã quá nặng, cá sẽ trở nên chán ăn, suy kiệt mà chết hoặc nhiễm ký sinh trùng ở mang và chết ngạt. Để điều trị bệnh, hãy đặt riêng cá ở môi trường nước có nhiệt độ cao trên 30oC hoặc tắm thuốc và muối (10%) cho cá.
Bệnh bạch vân
Vào đầu mùa xuân hoặc mùa mưa khi nhiệt độ nước bị thay đổi mạnh, bề mặt cơ thể hoặc ở đuôi cá sẽ xuất hiện những đốm hình dạng giống đám mây màu trắng do trùng lông Kostia hoặc trùng roi Chilodonella piscicola ký sinh. Khi phát hiện bệnh, cần dùng 1 vật chứa khác để tắm muối sẽ hiệu quả, tắm muối 2% trong 30’, rồi lặp lại trong 3 ngày liên tục. ngoài ra kết hợp thuốc sẽ hiệu quả.
2. Bệnh do vi khuẩn, nấm mốc
Bệnh thủy nấm
Khi trên cơ thể cá phát hiện có nhiều sợi trắng như là nấm mốc bám vào và cá của bạn đang bị thương thì cá của bạn đã bị bệnh thủy nấm. Vùng bị nhiễm bệnh sẽ bị lở loét, thối rữa, dễ làm cá chết. Để xử lý thủy nấm, bạn có thể dùng nhíp gắp nấm ra và cho cá tắm với thuốc kết hợp tắm muối (2%) 30 phút trong khoảng 3 ngày liên tiếp.
Bệnh thối vây, lở mang
Thối vây, lở mang là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể lây nhiễm cho những cá thể khác trong bể. Khi mắc bệnh, Phần đầu của vây dần chuyển màu trắng, sau đó rơi rụng dần, trên mang thì xuất hiện màu đỏ sẫm hoặc màu xám, nắp mang sưng to. Khi bệnh nặng thì bị khuyết mất mang, cá thở khó khắn, nhanh chóng chết sau đó. Miệng cá cũng bị chuyển màu trắng, lở loét. Loại vi khuẩn F.ovolyticus hoặc Columnaris hoạt động yếu trong môi trường muối. Do đó, bạn có thể tắm muối (0.5%) và cho thuốc lẫn trong thức ăn để chữa bệnh, tuy nhiên phần đuôi cá không thể khôi phục như ban đầu.
Ngoài các bệnh thường gặp ở cá 3 đuôi kể trên, chúng ta còn có thể gặp một số căn bệnh khác như: bệnh xù vảy, bệnh trùng hô hấp, trùng caligidae,… cũng là một vài căn bệnh rất phổ biến. Để nuôi được đàn cá lâu dài, bạn cần luôn chú ý vệ sinh bể cá, phòng tránh các bệnh thường gặp ở cá 3 đuôi và chăm sóc cá ngay lập tức khi vừa phát bệnh. Chúc bạn luôn sở hữu một đàn cá thật khỏe mạnh, đẹp đẽ và sống động nhất!
Gửi bình luận của bạn